Hằng năm, cứ đến mùa mưa bão, các sự cố lưới điện, tai nạn điện có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại về người và tài sản, thiết bị.
Ảnh minh họa
Một số sự cố về điện thường gặp vào mùa mưa bão như: Sét đánh vào đường dây dẫn điện; giông, lốc gây ngã đỗ cây, các vật liệu dẫn điện bay vào đường dây dẫn điện; khi nước dâng cao gây ngập làm rò điện từ các thiết bị điện ra môi trường xung quanh; sạt, lở đất gây ngã, nghiêng đường dây dẫn điện dẫn đến mất điện... Một số biện pháp để phòng ngừa tai nạn điện có thể xảy ra trong mùa mưa bão và sử dụng điện an toàn như sau:
1. Đề phòng tai nạn điện trong mùa mưa bão:
Khi thấy dây dẫn điện chạm vào tường, chạm vào cây xanh, chạm vào các vật liệu khác mà không có sứ cách điện thì không được đụng đến, phải thông báo ngay với đơn vị điện lực đang quản lý vận hành lưới điện trong khu vực để kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa xảy ra chạm chập, rò điện, phóng điện rất nguy hiểm.
Trường hợp có mưa to, gió lớn, lũ lụt có khả năng gây sự cố đường dây, trạm điện và gây tai nạn điện trong nhân dân, các Ban chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương cần phối hợp với Điện lực tại địa phương để cắt điện cô lập kịp thời những khu vực mất an toàn.
Khi có giông bão, mọi người phải tránh xa các bộ phận công trình điện mà đặc biệt là không đứng dưới đường dây dẫn điện cao áp. Các hộ gia đình lắp đặt các pa-nô quảng cáo có khả năng ngã đổ vào đường dây điện khi gió lớn cần phải tháo gỡ hoặc gia cố chắc chắn để bảo đảm an toàn cho lưới điện và con người. Từng người dân, khi thấy hiện tượng bất thường tại các bộ phận công trình điện (như: dây điện đứt rơi xuống, cây đổ hoặc cành cây gãy đè vào đường dây, trạm điện; cột điện đổ, sứ vỡ, điện bị rò; nước ngập sát tủ điện trạm biến áp; nổ hoặc cháy cáp ngầm, đường dây hay trạm điện …) hãy tránh xa và khuyến cáo mọi người không được đến gần những vị trí nói trên, đồng thời báo ngay với điện lực địa phương (theo các số điện thoại bên dưới) trong thời gian nhanh nhất để kịp thời có biện pháp xử lý khắc phục.
2. Biện pháp phòng tránh tai nạn điện trong nhân dân:
Không đóng cầu dao, bật công tắc khi tay ướt, chân không mang dép, đứng nơi ẩm ướt.
Khi sử dụng thiết bị điện cầm tay phải mang găng tay cách điện hạ thế để không bị điện giật khi công cụ bị rò rỉ điện.
Không sử dụng dây điện, thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà có chất lượng kém vì các thiết bị điện này có lớp cách điện không tốt dễ gây chạm chập, phát hỏa.
Khi sửa chữa điện trong nhà phải cắt cầu dao điện và phải treo bảng cấm đóng điện tại cầu dao để người khác biết.
Thực hiện nối đất vỏ kim loại các thiết bị điện trong nhà như tủ lạnh, vỏ máy nước nóng, vỏ máy bơm nước, vỏ máy giặt để không bị điện giật khi thiết bị điện bị rò điện ra vỏ bọc.
3. Những điều cần biết khi sử dụng điện trong gia đình:
Cần phải rút phích cắm điện ngay khi nghe âm thanh bất thường phát ra từ thiết bị điện hay mùi khét hoặc có cảm giác tê nhẹ khi chạm tay vào phích cắm thì phải cắt aptomat tổng rồi nên kiểm tra và sửa chữa ngay trước khi sử dụng lại thiết bị.
Không buộc dây vào cột điện hoặc dùng dây dẫn điện để phơi, móc quần áo và các vật dụng khác lên dây dẫn điện.
Không cắm trực tiếp đầu dây dẫn điện vào ổ cắm, phải có phích cắm chắc chắn, phích cắm phải là phía tải và ổ cắm là phía nguồn điện.
Không nên lắp dây dẫn điện, aptomat, cầu dao, cầu chì trên các vật dễ cháy như: gỗ, giấy, mái lá, sốp cách nhiệt để tránh gây ra chập điện hay hỏa hoạn. Các điểm nối phải đúng kỹ thuật, không được trùng nhau (phải so le), quấn băng keo cách điện.Không được dùng vật dễ cháy làm chóa đèn.
Trước khi ra khỏi nhà hoặc trước khi đi ngủ phải kiểm tra các thiết bị sử dụng điện, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
Nghiêm cấm các hành vi khác gây mất an toàn về điện theo quy định của Nghị định 14/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ.
Rất mong nhận được sự phối hợp, chấp hành của người dân nhằm phòng tránh tai nạn về điện có thể xảy ra trong năm 2022.
Điện lực Phú Lộc